Xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ quý I - 2022 đạt trên 30 triệu USD
Năm 2021, các sản phẩm nhuyễn thể có vỏ là mặt hàng duy nhất không bị tác động giảm do dịch Covid. Nguyên nhân là các khu vực sản xuất nguyên liệu đa số nằm ở các tỉnh miền bắc- khu vực ít bị ảnh hưởng dịch Covid trong năm qua. Hơn nữa, nhu cầu nhuyễn thể có vỏ (chủ yếu là nghêu) vẫn tăng cao tại các thị trường chính như Italy, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Mỹ.
Quý I/2022, xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ của cả nước tăng 24% đạt trên 30 triệu USD, trong đó riêng nghêu ước đạt gần 20 triệ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2021.
Dự báo xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới, theo đó ước xuất khẩu trong tháng 4/2022 đạt trên 12 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong khi đó, năm 2021, xuất khẩu các sản phẩm có vỏ đạt 141,6 triệu USD, tăng 35% so với năm 2020. Trừ tháng 2, xuất khẩu giảm 24% do trùng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tháng 11 tăng trưởng nhẹ 9%, các tháng còn lại trong năm qua đều ghi nhận tăng trưởng xuất khẩu 2 con số (từ 22-82%).
Trong cơ cấu xuất khẩu thủy sản có vỏ năm qua, nghêu là sản phẩm chủ lực, chiếm 73% với gần 103 triệu USD, tăng 52% so với năm 2020. Sản phẩm xuất khẩu nhiều thứ 2 là ốc chiếm 10% với trên 14 triệu USD, tăng 3%. Tiếp đến là sản phẩm điệp, sò điệp chiếm 8% với 11,4 triệu USD, tăng 13%. Còn lại là các sản phẩm hàu, sò, hến, bào ngư và các loại hỗn hợp…
Năm 2021, Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm thủy sản có vỏ sang hơn 50 thị trường. Top 10 thị trường tiêu thụ hơn 90% tổng xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ của Việt Nam.
Tây Ban Nha là thị trường đơn lẻ lớn nhất đối với nhuyễn thể có vỏ của Việt Nam, chiếm 18%, Italy và Mỹ đứng thứ 2 chiế tỷ trọng tương đương 17% và Bồ Đào Nha chiếm 15%. Nhật Bản đứng thứ 5, chiếm 8% xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ của Việt Nam.
Về thị trường, xuất khẩu sang Mỹ tăng mạnh nhất, 93% đạt 23,6 triệu USD. Xuất khẩu sang 3 thị trường lớn của EU gồm Tây Ban Nha, Italy và Bồ Đào Nha tăng từ 37,5 - 43,7% đạt lần lượt 26 triệu USD, 24,6 triệu USD và 20,9 triệu USD. Tuy nhiên, xuất khẩu sang Nhật Bản đã giảm trên 18% chỉ đạt 11,4 triệu USD.
Riêng với sản phẩm nghêu xuất khẩu thì Tây Ban Nha, Italy và Bồ Đào Nha là 3 thị trường lớn nhất, chiếm lần lượt 25%, 24% và 20% giá trị xuất khẩu. Mỹ đứng thứ 4 với 14%. Xuất khẩu nghêu sang tất cả các thị trường đều tăng 2-3 con số, riêng Mỹ tăng 144%.
Năm 2021, có 20 địa phương trên cả nước có nghêu xuất khẩu. Trong đó, dẫn đầu là tỉnh Thanh Hóa chiếm trên 30% kim ngạch xuất khẩu nghêu với 24,5 triệu USD, chủ yếu là sản phẩm nghêu xuất khẩu của CTCP Xuất Nhập Khẩu Thủy sản Thanh Hóa.
Tỉnh có kim ngạch nghêu xuất khẩu lớn thứ 2 là Bến Tre với 17,8 triệu USD, chiếm 22% với 3 công ty xuất khẩu gồm CTCP Xuất Nhập Khẩu Thủy sản Bến Tre, CTCP Thủy sản Bến Tre và CTCP Thủy sản Hưng Trường Phát. Đứng thứ 3 là tỉnh Nam Định với 12% tỷ trọng, giá trị gần 10 triệu USD với công ty Công ty TNHH thủy sản Lenger Việt Nam.
- Diệu Linh -Nguồn: thuongtruong.com.vn